Truy xuất nguồn gốc sản phẩm dệt may đang trở thành yêu cầu quan trọng hàng đầu ở các thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam như Hoa Kỳ, Anh, EU…
Đây đang là thách thức với ngành dệt may, bởi chủ yếu Việt Nam nhập nguyên, phụ liệu, trong đó riêng mặt hàng bông gần như phải nhập 100%.
Doanh nghiệp đang tất bật chuẩn bị đơn hàng xuất sang thị trường Hoa Kỳ vào cuối năm nay. Trước đó, các đối tác đã đưa ra những yêu cầu sản xuất cụ thể, đặc biệt phải kết nối với hệ thống truy xuất nguồn gốc nguyên phụ liệu của họ để đảm bảo chất lượng khi xuất khẩu.
“Chúng tôi đang sử dụng bông nguồn gốc xuất xứ từ Mỹ, có chứng nhận US Cotton hoặc sử dụng vải tái chế”, ông Hồ Đức Trung, Giám đốc Công ty CP Task Apparel Việt Nam, cho biết.
Hiện một số doanh nghiệp cũng đã bắt đầu sử dụng các nguồn bông sợi sản xuất trong nước, tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế về nguồn cung diện rộng.
“Để phát triển sản xuất bông trong nước, cần có các chính sách phù hợp để phát triển cây bông như quy hoạch lại khu vực trồng bông, chất lượng giống bông… để có bông chất lượng tốt và đủ sản lượng để thay thế bông nhập khẩu”, ông Nguyễn An Toàn, Chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam, nhận định.
Hiện một số doanh nghiệp đã bắt đầu sử dụng các nguồn bông sợi sản xuất trong nước. (Ảnh minh họa – Ảnh: Báo Đầu tư)
Theo khuyến cáo từ các cơ quan chức năng, nếu doanh nghiệp không tuân thủ về tính minh bạch trong thực hiện truy xuất chuỗi cung ứng thì các thị trường sẽ áp dụng chế tài thương mại ngăn chặn nhập khẩu sản phẩm từ nước ta, khi đó sẽ thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp và thương hiệu ngành dệt may Việt Nam.
“Các doanh nghiệp cần hết sức minh bạch trong khi chọn mua nguyên phụ liệu, đưa ra đòi hỏi trong hợp đồng thương mại. Các doanh nghiệp nên đàm phán với các đối tác sử dụng vải trong nước vì hiện hầu hết chúng ta đang sử dụng bông Mỹ”, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho hay.
“Các doanh nghiệp cần chủ động đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu đầu vào, tránh phụ thuộc vào 1 thị trường nhất định; đồng thời cần thường xuyên cập nhật các quy định mới về nhập khẩu do nước sở tại ban hành để chủ động tìm nguồn nguyên liệu đầu vào phù hợp”, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng đại diện Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại New York, Hoa Kỳ, nói.
Chiến lược phát triển ngành dệt may, da giày Việt Nam từ nay đến 2030, tầm nhìn 2035 đã chỉ rõ tiến trình xanh hóa là xu hướng tất yếu với ngành dệt may. Không chỉ nguyên liệu đầu vào, các mục tiêu về hạ tầng, môi trường, năng lượng tái tạo… sẽ dần được xác định, nhằm đáp ứng những yêu cầu ngày càng khắt khe của các thị trường xuất khẩu, minh bạch hóa quy trình sản xuất và chuỗi cung ứng trong tương lai.
Nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/minh-bach-chuoi-cung-ung-det-may-20230510132530229.htm